top of page
Writer's picturekhi khong

Khi không thì có Khi Không

Để bắt đầu một điều gì đó cụ thể cho cuộc đời mình, một sự thiệt thà chắc hẳn là điều cần thiết.


Thật buồn cười và ngu ngơ khi phải thừa nhận rằng Khi Không lại hình thành từ mớ phức cảm hỗn độn, tiêu cực cá nhân với một nơi lưu trữ tình yêu nghệ thuật. Một sự khởi đầu có lẽ luôn cần một lý do và Khi Không thực sự đã khi không bắt đầu một cách trẻ con như thế.


Tán cây nhỏ tựa khu rừng chằng chịt rễ chụp lúc ngồi chờ tiêm vaccine lần đầu

Có thể quá chủ quan thiên kiến nhưng tôi nghĩ mọi người đều cảm mến cái đẹp và đều có nhu cầu nghệ thuật cho dù chỉ là một chút xíu. Tôi đã quen vô số người, kéo theo biết bao lần gặp gỡ, niềm cảm mến ấy luôn ở đó trong tất cả, chưa bao giờ mất đi. Nó ẩn trong bức ảnh mẹ tôi chụp hoa hồng xinh nhà trồng; trong những vệt cọ thoăn thoắt xộc mùi cá biển gây mũi của lớp nguyên lý thị giác Sài Gòn ngày bão; trong đàn cá Koi đủ sắc vàng đỏ ba tôi hồ hởi mua để ngắm vui mắt, trong những nét màu hoang dại, hỗn độn ở một studio dễ cưng nhất tôi từng ghé; trong những bức vẽ đầy bản năng và đẹp đẽ của người bạn tự dấn thân vào chốn nghệ thuật; cả trong thông báo vô thức “I hear music” chen ngang bài thuyết trình say sưa về Vincent van Gogh của người giám tuyển già,…


Pizza của mẹ, cây của ba và bánh tự tôi


Dù nho nhỏ hay to to. Dù ầm ào hay lặng lẽ . Dù hào nhoáng hay âm ỉ. Ai cũng có riêng mình xúc cảm về nghệ thuật. Tôi nghĩ vậy.

Hoa nhỏ xíu từ chậu cây luôn héo queo ở phòng trọ

Tôi chưa từng hình dung xúc cảm mỗi người với nghệ thuật sẽ có dạng thức thế nào cho tới khi nốc cạn Biên niên ký chim vặn dây cót trong một ngày rưỡi. Thú thật một lần nữa tôi chẳng hiểu hết và thực lòng cũng không có nhu cầu để đào sâu tường tận từng tầng ý nghĩa của câu chuyện đó. Quá rối rắm và mơ hồ. Cái để lại trong tôi sau hơn 300 trang kín đặc chữ lại là một quả bóng mềm tròn, sáng trắng, hơi dính và có khả năng lăn lóc bất cứ nơi nào nó muốn – một hình dung kỳ lạ về nghệ thuật cá nhân của tôi. Cuốn sách đó kích hoạt, mài sắc toàn bộ giác quan đang bị mài mòn từng ngày.



Tựa thật thấp xuống mặt bàn để thấy mấy nhánh hoa và đèn

Liên kết với Khi Không của tôi qủa bóng mềm tròn, sáng trắng, hơi dính và có khả năng lăn lóc bất cứ nơi nào nó muốn: khớp hoàn hảo. Với những người tôi từng gặp trong suốt hành trình lăn tròn của mình, những điều đẹp đẽ, lấp lánh từ họ dính khắp bề mặt những điểm chạm xúc cảm nghệ thuật. Lăn lăn. Dinh dính. Một hình hài kỳ dị, đa diện, đa sắc và vô số những tia sáng trắng. Lăn lăn. Dinh dính.


Khi Không trong tưởng tượng của tôi. Để lưu trữ. Để sẻ chia. Để liên kết. Để nghiền ngẫm. Để triễn lãm. Để tất cả… về nghệ thuật. Và nếu ghé mắt thật sát vào những kẽ hở của khối kỳ dị đó, một quả bóng tròn mềm vẫn luôn lặng lẽ. Phát sáng.

 

Triễn trực tuyến Năm nắm


Tôi luôn thích “khoe khoang” với cả thế giới về những con người tôi từng gặp gỡ, về nghệ thuật thú vị được tạo ra từ họ, về những suy ngẫm thiết tha ẩn sau đó. Vậy nên để phục vụ cho sở thích “khoe khoang” ấy của tôi chuyên mục cốt lõi của Khi Không là Triễn trực tuyến Năm nắm xuất hiện. Chỉ đơn giản thế thôi.


Có vô vàn những triển lãm được dựng nên, vô vàn những tuyệt phẩm được trưng bày. Chờ đợi để được thưởng lãm. Số lượng người tham dự khổng lồ. Tôi cũng là một trong những người khao khát ngắm nhìn nghệ thuật, chu du khắp nhiều phòng triển lãm, bảo tàng.


Đứng trước những tác phẩm, tôi vẫn luôn hoang mang.
Chăm chú vậy chứ chả hiểu mấy đâu

Đa số trường hợp tôi sẽ giả vờ mình là một người đạo mạo, am tường nghệ thuật theo công thức: thẳng lưng, giữ khoảng cách đúng quy định, mắt cố định phía trước tác phẩm, tuyệt đối không chạm vào tác phẩm nhưng nhất định phải hơi chúi người về phía trước, đưa ngón tay trỏ chỉ vào điểm mơ hồ trong không gian hay phát ra chút âm thanh tán tụng. Đôi lúc triển lãm cung cấp ghế ngồi thì hành động tất cả như trên trừ việc ngồi thay cho đứng thẳng.


Và trong đầu là một mảng trắng hỗn độn: cái gì đây? Sao vẽ thế này? Nó có nghĩa gì?... chạy loạn xạ. Tôi chưa từng thực sự tự tin để thấu hiểu nghệ thuật. Có ai cũng vậy không?

Năm nắm được tạo ra bằng việc tận dụng triệt để sự tự ti khi đứng trước nghệ thuật của tôi và tìm cách xóa bỏ nó hiệu quả. Công thức See/ Think/ Wonder là điều tôi tâm đắc nhất trong khóa học trực tuyến về giáo dục nghệ thuật. Là một phương thức tốt để giảm bớt nỗi hoang mang cá nhân khi đối diện với nghệ thuật. Đây là công thức được phát triển trong dự án PROJECT ZERO của đại học Harvard giúp cá nhân có thể luyện tập tư duy đánh giá và phản biện nghệ thuật.


Với ba hành động cơ bản, đơn giản và vận hành một cách tuần tự. Sử dụng mắt để Nhìn (see) tác phẩm, thu nhận những yếu tố bề mặt như màu sắc, đường nét, vị trí chi tiết, cấu trúc,… của tác phẩm thông qua kênh thông tin thị giác. Tiếp đó tiến hành Nghĩ (think), tự đưa những kiến giải của bản thân, bắt đầu hình thành tư duy sơ khởi với tác phẩm. Và tiếp xa hơn là Tự vấn (wonder), đưa những quan điểm, đánh giá cá nhân cho những tư duy ở bước trước đó, thậm chí có thể đưa ra giả thuyết sửa đổi, cải thiện tác phẩm phù hợp.


See/ Think/ Wonder là một công thức đơn giản, dễ ứng dụng ở mọi độ tuổi. Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia của Scotland tại Edinburgh đã áp dụng công thức này để giáo dục thực hành tư duy, phản biện nghệ thuật cho học sinh ở nhiều cấp học. Và nó khá hiệu quả.



Với bộ công thức này, người xem được hoàn toàn chủ động và tự do trong thưởng lãm nghệ thuật. See/ Think/ Wonder không phải để đánh giá hay phản biện một cách chính xác cho bất kỳ một tác phẩm. Bởi trong nghệ thuật không thể đòi hỏi sự phân minh đúng sai trong nhận định hay đơn giản là đánh giá một tác phẩm có hay không có giá trị. Bộ công thức này dùng để mỗi người tự xác định, đánh giá tư duy cảm nhận cá nhân đối với tác phẩm. Là một công cụ để khám phá những quan điểm cá nhân về tác phẩm, không rơi vào tình thế bị động, ngập ngừng khi đứng trước một tác phẩm nào.


Năm nắm sẽ đưa ra bộ câu hỏi với nội dung giúp cụ thể hóa các tố See, ThinkWonder. Bộ câu hỏi này được cả nghệ sĩ của tác phẩm và người giới thiệu cùng trả lời. Hai phần trả lời sẽ được xuất hiện cùng lúc giúp người xem có những cái nhìn đa chiều về tác phẩm. Năm nắm gọi đây buổi đối thoại song song, cả hai bên đều được cung cấp những câu hỏi như nhau, thoải mái "nói" tất cả những điều suy nghĩ mà không sợ bị ngắt lời. Lắng nghe nhau phần sau cùng, sau khi hoàn tất buổi đối thoại này. Bởi cảm xúc và suy nghĩ là điều nên được trân trọng hơn cả và lắng nghe chỉ là cách để tự chiêm nghiệm một lần nữa những điều cá nhân ấy qua một lăng kính khác. Bộ câu hỏi cũng sẽ được xuất hiện công khai để người thưởng lãm tác phẩm cũng có thể góp mặt vào cuộc đối thoại này.


Cái tên Năm nắm cũng là một ẩn dụ về sự liên kết suy nghĩ và xúc cảm. Mỗi người có một địa hạt nghệ thuật riêng, có thể gặp gỡ nhau, nhưng rất khó lòng và cũng không vui lòng để hòa nhập vào nhau. Thông qua hành động nắm tay, những phân khu nghệ thuật có thể được liên kết, tạo thành những điểm chạm xúc cảm nghệ thuật để dẫn đến những đều kỳ lạ không tưởng. Năm nắm là nắm tay, không phải là 5 cái nắm tay là chỉ là cách đọc láy ngộ nghĩnh để thể hiện mức độ. Không phải là cái nắm tay ghì chặt, đỏ ửng, đau điếng mà là cái nắm nhè nhẹ, ấm ấm, không ràng buộc.


Một cái nắm tay – một điểm chạm xúc cảm nghệ thuật tự do nhưng không lỏng lẻo.

 

Nghĩ thêmNgó nghiêng


Nghĩ thêmNgó nghiêng là hai mục đầy sở thích lựa chọn cá nhân, thoải mái nghiền ngẫm và tự do chia sẻ. Hình dung về Khi Không là một bóng mềm tròn, sáng trắng, hơi dính và có khả năng lăn lóc bất cứ nơi nào nó muốn để biến đổi thành một hình hài kỳ dị, đa diện, đa sắc và vô số những tia sáng trắng. Nghĩ thêm là phần trong cùng của quả bóng kỳ lạ Khi Không, là những bài viết thể hiện tư duy và phản biện cá nhân, bộc lộ những nghiền ngẫm, suy tư về mọi vấn đề liên quan đến nghệ thuật bằng cách áp dụng những kiến thức được thu lượm trong quá trình di chuyển “lăn tròn” trong hành trình nghệ thuật. Vẫn như trên, không có cái gọi là đúng sai trong nhận định, tôi chỉ muốn được “bày biện” suy nghĩ, xúc cảm nghệ thuật ra ngoài thế giới. Và Ngó nghiêng chính là những điều thú vị, hay ho mà tôi thu thập được trong chuyến hành trình du hành nghệ thuật của bên ngoài thế giới.


Căn nhà nhỏ trong hẻm nhỏ giữa lòng phố to

 

Mọi thứ của Khi Không diễn tiến rất chậm như tính cách người tạo ra nó là tôi. Nhưng dù sao thì Khi Không cũng đã ở đây. Bên bạn.


Khi không thì Ngó nghiêng, Khi không thì Nghĩ thêm, Khi không thì Năm nắm, Khi không thì có Khi Không

 

10 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page