top of page
Writer's picturekhi khong

“𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” 016

...


Mình học được cách làm nóng sữa bằng máy pha cà phê. Mình luôn thích đồ uống ấm nóng vì cảm giác mềm tròn và vỗ về. Đồ uống lạnh sắc lẹm và thiếu cảm giác an toàn. Nhẩn nha sữa nóng mình dễ chịu như cách mà người ta nói là được chữa lành. Vị tròn lăn lăn khiến lòng mềm bông và tan rã phấn khích.


Mình đã đinh ninh chủ đề cho Củ - Nghệ hôm nay là sự chữa lành, ủi an và vỗ về. Rồi một chuyện đùng đùng kéo tới khiến mình chắc có lẽ cần rất nhiều sự chữa lành cho hôm nay.


“Art Therapy” – mình đã lờ nó đi rất nhiều. Tại vì không thích.



Khi một ai đó mang vết thương vô hình đeo đẳng, sự đau đớn khiến người ta co cụm trong lòng. Không gian của tâm hồn bị vết thương chèn ép và đè bẹp. Xúc cảm nghẹn ứ và nức nở vì sự giới hạn của khoảng không. Người ta với mãi để lần mò những khóc cười hiển nhiên mà hoài chẳng thấy, vết thương quá lớn là bức vách che dấu hết tất thảy. Chẳng ai muốn bị đau mãi vậy, chẳng ai muốn cuộc kiếm tìm vô vọng hoài. Những người làm đau chính mình, có lẽ chỉ cố dựng lên một con đường tắt để giải thoát và tìm gặp những xúc cảm thuộc về mình rời xa quá lâu.


Nghệ thuật là kho chứa cảm xúc của con người. “Art Therapy” là cách con người tận dụng nguồn trữ ấy cho những tâm hồn bị nghẹn ứ không thoát được. Vẽ vời, nhảy múa, hát ca,… tất tần tật những hoạt động sáng tạo được nhét vào những người đang bị đau. Tảng lờ đi nỗi đau của chính mình, bù lấp những khoảng trống xúc cảm, hay phát tín hiệu cho xúc cảm lạc đường và nghẹn ứ theo dấu thoát ra có lẽ là cách mà “Art Therapy” gầy dựng vị trí cho chính mình.


Ngẫm nghĩ lại thì thiệt hay và hiệu quả ra trò. Cơ mà. Mình vẫn thấy là một danh xưng không thực. Mình nghĩ nghệ thuật cũng chẳng thể làm nhiều hơn những tác phẩm. Vài lần mình cũng đau đau trong lòng, cũng vẽ vời và quẹt màu. Lúc may mắn mọi thứ xinh trên giấy, nỗi đau của mình cũng xinh xắn hẳn lên. Nhưng phần nhiều là stress dữ dội vì mấy thứ tạo ra chẳng thành hình, không đẹp. Mình không thích cách tận dụng kiểu này. Khoác một lớp áo quá dày và dư thừa cho nghệ thuật, cứ thấy ẩn ức và bất công. Mà thực lòng mình không biết phải viện cớ gì cho sự cảm thấy kỳ cục của mình.



Chỉ là khi lòng mình đau đau, nếu thực sự muốn thì cứ tự nhiên mà tiến vào kho chứa xúc cảm. Trong chồng chất những thứ gọi là nghệ thuật hẳn sẽ có cái bạn cần. Nhưng đừng trông mong một sự chữa lành. Nghệ thuật không phải là nơi trị liệu và mong ngóng. Đừng “lợi dụng” để vết thương lòng bạn bay biến không vết tích, bởi đổi lại có chăng là trách móc và thêm đau?


Nghệ thuật chẳng có cách nào để chữa lành những vết thương trong lòng. Mình nghĩ vậy. Nghệ thuật là kho chứa xúc cảm. Tìm tới thể được ủi an, vỗ về khi tìm kiếm hoang hoải những điều hiển nhiên của mình. Gắng gượng mà tìm về dỗ dành những nức nở và nghẹn ứ lòng mình.


Tác phẩm: "Forest Meadow"

Tác phẩm: "Forest Meadow" (1876) được vẽ bởi họa sĩ người Đức Hans Thoma (1839-1924). Mình nhìn thấy gió thổi xanh mượt, trượt nhẹ qua tóc, váy trắng và lớp cỏ cao. Sự nữ tính nhẹ phủ khắp lượt bằng nét cọ chuyển mềm. Sắc độ xanh tràn ngập toan vẽ khác biệt với váy trắng ngả be vàng dịu dịu điều hướng mắt nhìn về trung tâm. Một sự khác biệt nhưng không cạnh tranh và đối chọi, chỉ vừa đủ để nhận thức được chủ thể chính. Song song với sự mềm nhẹ của sắc độ màu, không gian rộng thoáng khiến cơ mắt giãn nở thư thái, tư thế khom người thả con ngươi hướng xuôi tự nhiên. Tác động thị giác phỏng chiếu thao tác vật lý, khiến mình tự động đối chiếu những trải nghiệm được vỗ về êm ái và thả lỏng tương tự. Woa la, mình tìm thấy cảm xúc mình của chính mình bị đè ép đâu đó trong lòng. Hay ha?


----- “𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” tập hợp suy diễn vớ vẩn và lủng củng vô thiên về những gì thoáng qua một ngày của mình và thứ được gọi là “nghệ thuật”. Mình sẽ ráng gõ gõ trong 100 ngày.

3 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page