top of page
Writer's picturekhi khong

“𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” 015

Hoa kèn hồng nở bừng rực rỡ


Hình như kèn hồng đương độ vào mùa. Nở bừng rực rỡ. Hơn mọi lần mình ngang qua. Cây khẳng khiu hết lá, chỉ toàn những chùm hồng hồng như mây. Mình thích kiểu nở bung xòe đơn màu không sắc lá thế này. Không có sự phân tán màu sắc khiến mắt nhìn ngỡ ngàng và cười toe.

Hổng hiểu sao mình nhớ tới "Almond Blossom” của Van Gogh. Cũng bừng rực rỡ và khẳng khiu. Đừng vội cảm thán vì tiếp tục là Van Gogh. Hôm nay không phải là ngày dành cho ông đâu.


Hình ảnh: mượn từ báo Thanh Niên, cây cầu mình băng qua mỗi sáng

“Oreintation” – sự giao thoa có chắc là hai chiều?


Dù Van Gogh là nghệ sĩ mình yêu nhất đời, nhưng mình cũng không dám chắc và cứ hay phản đối âm thầm về một điều thuộc về ông mà ai cũng nhắc đến: sự ảnh hưởng và dấu ấn Nhật Bản. Mình đã nhìn tranh van Gogh lâu rất lâu từ trước. Và cũng nhớ một chút về Nhật. Nhưng khi đọc nhiều mình vẫn hoang mang về dấu ấn của một nền nghệ thuật ngoại lai với Tây phương lại phảng phất trong những tác phẩm. Rất nhiều bằng chứng và nghiên cứu, nhưng vẫn chẳng đủ để có thể thuyết phục mình.


Hồi mình mới bắt đầu khóa học tiếp tục, nhiệt huyết “sửa sai” và “làm mới” khiến mình hăm hở và vui vẻ. Mình lao vào, lần mò cái được phong mĩ miều là “nghiên cứu khoa học”, Oreintation là điều mình hào hứng kinh khủng mỗi lần.


Mình gõ gõ tìm tìm hằng hà các bài báo chỉ để hỏi một câu rất giản đơn: manh mối nào chứng minh sự giao thoa văn hóa nghệ thuật là công bằng và hai chiều?

Và rồi mình chịu thua, từ bỏ hẳn, không nỡ nhắc tới. Có lẽ kỹ năng lần tìm của mình chưa đủ cao siêu. Mình chẳng thể thấy cái mình cần.


Nếu tạm chia nghệ thuật theo phân định khu vực, phương Đông và phương Tây là hai địa hạt lớn, chung chung và được đồng thuận nhiều. Trong những năm không biết sự tồn tại của nhau, hai lãnh địa nghệ thuật đơn thương mà bung nở dựa theo thuộc tính và xúc cảm đặc trưng cư dân bản địa. Không có sự phân cấp hay so đo thiệt hơn. Sự giao thoa cần rất nhiều lần gặp gỡ. Và thật buồn những cuộc đại gặp gỡ của loài người dường như chẳng mấy yên bình. Gươm đao, súng ống, máu đổ và nô lệ va vào nhau chan chát.


Cuộc thăm thú đầy quyền lực, chiếm đoạt và thao túng dường như chẳng có điểm dừng. Phương Đông bị đục khoét và đổ ập hàng ngàn thứ mới mẻ văn minh ngổn ngang. Nghệ thuật nơi này cũng bị kéo lê ra khỏi con đường vốn có để chập chững vào khuôn dạng đẹp đẽ mà lạ lẫm từ phương khác xô tới. Thuộc địa, thực dân, đế quốc mấy từ gõ nhanh nơi bàn phím là vết thương đằng đẵng khó khép miệng của loài người.


Nghệ thuật xuất phát từ con người, đeo đẳng con người trong từng giây phút và khoảnh khắc. Nên không chỉ con người đẫm máu từ vết thương của những lần gặp gỡ, nghệ thuật cũng bị “vạ lây”. Có vậy mới có định nghĩa “Art Oreintation” – sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau.


Ta chộp lấy những hiển hiện của thuộc tính và xúc cảm đặc trưng của những người khác lãnh thổ, ghi danh và cho nó tạm trú vào nghệ thuật nơi ta trải qua cả một cuộc đời. Thấy phương Tây trong những rường cột, những phiến gạch bông chân chạm man mát, trong giai điệu bải hoải ánh vàng của cả một thế hệ phía Đông địa cầu. Nhưng những thổn thức, trầm tích, vi tế của nghệ thuật Đông phương trốn mình vụn vặt đâu đâu trong cuộc thăm thú không thiện chí của người ở xa phía Tây?

Sự giao thoa văn hóa là một món quà tuyệt không bàn cãi, dù khởi nguồn của nó đầy đau đớn và tiếc thương. Chính sự giao thoa mà nghệ thuật có cơ hội chung đụng, gắn kết, dung nạp và mới mẻ. Nhưng với những gì trong hạn hẹp mình nhìn và thấy, cán cân vẫn lệch và khó lòng từ hai hướng. Mình dễ dàng gặp hàng vạn kết quả về Indochine nhưng những gì mình tìm kiếm là hoa văn Đông phương chỉ là một vài chén, dĩa con con mà sự tiếp nhận và diễn giải nó từ những người xa lạ lãnh thổ còn quá vụng về và mảnh dẻ.


Mình nghĩ, chỉ là nghĩ thôi. Sự tiếp nhận và giao thoa văn hóa nghệ thuật theo chiều của các nước thuộc địa và phương Đông quá rực rỡ có lẽ vì phải tồn tại. Sự sống còn của những con người ấy, của từng chút hơi thở không còn là sự tự quyết. Dựa dẫm và nương theo những đặc trưng và tập tính của kẻ xâm lấn xa lạ là phao cứu sinh họ ráo riết bấu chặt. Vì tồn tại mà cam chịu mà dâng hai tay nhận lãnh. Lâu dần khối nghệ thuật và xúc cảm xa lạ tan rã, phân mảnh thành từng điều hiển nhiên thường nhật.


Còn những kẻ xa lạ, ban phát sự vĩ đại tự phong, nghệ thuật của những người cúi mình trước họ cũng chỉ là món đồ chơi lạ lùng, tiện tay mà nhặt lấy. Mình không phán xét và cũng không dám phán xét. Nhưng điều tối quan trọng trong bản năng con người là giữ mình còn tồn tại dù là chút hơi thở nhẹ thinh. Những người xâm lấn họ không chỉ tồn tại mà còn sống, họ không chỉ sống mà còn sống tốt. Nghệ thuật lạ lùng nơi họ đến chẳng thể đụng đến một sợi tóc con con. Chiều giao thoa nghệ thuật phía ngược lại yếu ớt và mờ mịt, một sở thích không hơn.


Manh mối nào chứng minh sự giao thoa văn hóa nghệ thuật là công bằng và hai chiều? Mình bỏ lửng câu trả lời vì vẫn chưa thấy cái mình cần.

Thêm nhiều lần hoa kèn hồng bung nở hồng hồng như mây Điều cần tìm sẽ đến Phải không?


----- “𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” tập hợp suy diễn vớ vẩn và lủng củng vô thiên về những gì thoáng qua một ngày của mình và thứ được gọi là “nghệ thuật”. Mình sẽ ráng gõ gõ trong 100 ngày.

22 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page