top of page
Writer's picturekhi khong

“𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” 010

“Đôi khi trẻ con bảo vệ người lớn.”


Một câu nói trong phim hoạt hình hôm nay. Câu ngắn ngủn nhưng khiến mình cứ phải tua đi tua lại để nghe. Hóa ra điều nhỏ bé cần bảo vệ đôi khi lại là màn chắn chở che cho những gì vững chãi và to lớn hơn thế.


Mình nhớ đến một vụ hoảng hốt hồi tháng 10 năm ngoái “Just stop oil”. Cuộc bạo động khiến mình phẫn nộ âm thầm và không nỡ nhìn sâu tường tận. Tại họ làm đau điều mình “yêu”.


Cuộc bạo động của những thanh niên trẻ yêu cầu chính phủ Vương quốc Anh ngừng tất cả các giấy phép phát triển và sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Để bảo vệ một điều gì đó phương thức bạo động đôi lúc là xác đáng. Nhưng để bảo vệ một điều gì đó bằng cách phá hủy một điều gì đó khác? Liệu rằng có thật sự đúng?


Họ ném súp cà chua lên bức “Sunflowers” của nghệ sĩ mình yêu nhất đời Vincent van Gogh. “Is it worth more than food? More than justice? Are you more concerned about the protection of a painting or the protection of our planet and people?” (Điều gì đáng giá hơn thức ăn? Hơn cả công lý? Bảo vệ một bức vẽ hay là cả hành tinh và nhân loại?). Đó là những gì họ gào lên.


Tác phẩm: "Sunflowers" (1889) _ Vincent van Gogh


Mình không hiểu. Mình thực sự không hiểu. Tại sao phải lôi kéo nghệ thuật vào mục đích của con người bằng phương thức cực đoan đến thế. Tại sao phải tàn phá những điều thuộc về con người để bảo vệ chính con người?

Nghệ thuật hiển hiện mong manh, không có khả năng kháng cự trước tàn phá. Và nghệ thuật dung chứa những điều quý giá của con người. Những điều mong manh là những điều hay được bảo vệ. Hiển nhiên ha?


Người ta hay nhắc đến bánh mì và hoa hồng. Bánh mì là thức ăn, hẳn rồi, là tất cả những điều cần để ta tồn tại trên đời. Và hoa hồng thứ đẹp, phù phiếm ta muốn để sinh động thế giới của chính ta. Mình không biết cái nào sẽ quan trọng hơn. Nhưng mình cần ăn để sống và cần cái đẹp để muốn sống nhiều hơn.


Nghệ thuật cần được bảo vệ. Vì nó đẹp và mỏng manh như hoa hồng. Nhưng nghệ thuật đôi lúc cũng sẽ bảo vệ con người. Không phải kiểu bảo vệ trực diện, không phải kiểu không có sự bảo vệ đó chúng ta sẽ không thể sống trên đời. Trẻ con sẽ bảo vệ người lớn bằng cách gì? Có lẽ bằng cách cho người lớn thấy chính họ mạnh mẽ và hữu dụng thế nào. Không có trẻ con, người lớn lấy gì để có thể chứng minh sự trưởng thành của chính mình? Không có trẻ con, người lớn biết làm sao với những non nớt của chính mình?


Mình nghĩ nghệ thuật cũng thế thôi. Con người vẫn có thể sống và làm điều gì đó vô thức. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có nghệ thuật. Bởi những thứ gọi là nghệ thuật là một dạng thức không khí của tinh thần con người, là một thông cáo với chính con người về những điều tuyệt vời đẹp đẽ mà họ đã tạo. Không có bảng thông cáo đó, con người lấy gì để nhớ chính mình là con người? Không có nghệ thuật, con người biết làm sao với những ngổn ngang của chính mình?


Mình không thích nhắc về “Just stop oil” hơn nữa, nhưng mình tự hỏi những người hoạt động vì một điều gì đó lớn hơn cho nhân loại có khi nào ngẫm ngợi:


"Có chăng một bức vẽ thẳng tay ập súp cà lại chính là thứ bảo vệ cho cái cao cả và cấp thiết? Không có bức vẽ đó, họ lấy gì để làm loạn và kêu gào điều họ muốn? Không có nghệ thuật làm cái cớ, họ lấy gì để đủ sức gầm gừ với tập thể con người?

Đôi khi trẻ con bảo vệ người lớn. Đôi khi nghệ thuật bảo vệ con người.



----- “𝗖𝘂̉ - 𝗡𝗴𝗵𝗲̣̂” tập hợp suy diễn vớ vẩn và lủng củng vô thiên về những gì thoáng qua một ngày của mình và thứ được gọi là “nghệ thuật”. Mình sẽ ráng gõ gõ trong 100 ngày.

5 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page