top of page
Writer's picturekhi khong

"The red boy" - Sắc đỏ vô ngần



Tôi vô tình “gặp gỡ” cậu bé màu đỏ khi dạo Youtube. Trước đó tôi đã lướt qua cậu bé màu xanh (đó là chuyện tôi sẽ kể bạn nghe vào một dịp khác), nhưng sắc đỏ thu hút tôi hơn nhiều. Thu hút ngay lập tự. Đến mức gạt mọi chủ đề dự định để ưu ái “The red boy” trước hết. Bởi chính sự xinh đẹp này, xinh đẹp đến độ muốn cưng nựng, muốn bất chấp để yêu chiều đến “vô pháp vô thiên”.


The red boy là tác phẩm của Thomas Lawrence (1769–1830) là họa sĩ chân dung hàng đầu của Anh vào đầu thế kỷ 19. Tác phẩm khắc họa chân dung Charles William Lambton, con trai cả của John George Lambton (1792-1840) – Bá tước Durham với giá 600 guineas. Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Lawrences. Charles William Lambton, sau này được gọi là The Red Boy (1825). The Red Boy là bức tranh đầu tiên được đưa vào tem bưu chính Anh năm 1967, xuất hiện hàng loạt trên vỏ hộp bánh SUNSHINE BISCUITS ở những năm 1940.


Charles William Lambton trong bức chân dung đang đương độ tuổi 6 -7 với nét đẹp thơ trẻ hoàn mĩ. Gương mặt hài hòa, ngũ quan nhỏ nhắn, rất mềm mại và tinh tế vẫn chưa xuất hiện dấu vết góc cạnh, cương nghị định hình giới tính. Mâu thuẫn với non mềm trẻ con trên khuôn mặt đẹp đẽ là ánh nhìn trầm ngâm và xa xăm, hơi vượt tuổi.



Sự mâu thuẫn còn âm thầm đột nhập vào tư thế. Nếu chỉ nhìn phía trên, phần đầu nghiêng nghiêng, mơ màng tựa hờ vào cánh tay, góc độ tay cong nhẹ thể hiện sự lịch thiệp, đầy lãng mạn, một hiệu ứng cảm xúc khá phổ biến trong các tranh chân dung cùng thời. Tuy nhiên tư thế chân lại tương phản không nhỏ, một bên chân được thả lỏng, một bên lại gập hẳn lên mỏm đá ngồi, khá thoải mái và cá nhân. Tất cả cung cấp một hình dung hoàn chỉnh và chân thực của một vị bá tước trẻ thơ, cao ngạo và thong dong tạo bởi quyền uy lớn lao song song với hình hài và biểu hiện còn rất đỗi hồn nhiên. Mọi sự mâu thuẫn trong ánh mắt và tư thế đưa đến sự thú vị, cảm quan dễ chịu, thân thiết cho người xem, không quá mức gò bó, chuẩn chỉnh và xa cách.


Sắc đỏ nổi trội trong kiểu dáng nhã nhặn của bộ suit là điều thú vị, dễ thấy và dễ nhận biết nhất. Nếu chú ý kỹ lưỡng sắc đỏ của trang phục có thể thấy màu vàng ánh lên khá rõ ràng, tập trung ở những nếp gấp vải có ánh sáng phản chiếu ánh sáng. Một biểu đạt cực tốt cho vải nhung, một chất liệu yêu thích và thuận lợi cho ánh sáng vui đùa và tự do tung tẩy. Tuy nhiên ánh vàng đó còn ẩn chứa một điều thú vị hơn nhiều.



Thực chất ban đầu trang phục có màu vàng, sau khi bức họa hoàn chỉnh Thomas Lawrence lại nhận được phản hồi về màu sắc từ chính John George Lambton. Dù rất yêu thích bức tranh, kể cả sắc vàng trên trang phục, John George Lambton vẫn cho rằng màu đỏ là một sự lựa chọn hoàn hảo hơn cả. Và chúng ta có “The red boy” hiện tại với sắc đỏ đầy thu hút.


Sự thành công của sắc đỏ giúp định lại danh xưng cho tác phẩm, từ Charles William Lambton rất cá nhân và xa lạ đến The red boy mơ hồ nhưng đậm tính hình tượng.

Kỹ thuật của một họa sĩ vẽ chân dung ở trình độ thượng thừa là không thể chối cãi. Bút pháp dù nghiêng hẳn về tinh tế và uyển chuyển để tập trung đem đến sự chân thực thì phân bổ hình thái nét cọ vẫn có sự phong phú hợp lý, thô, mịn, dày, mảnh được tính toán chi li cho từng chi tiết. Khung cảnh với sắc trời xanh sẫm, vài phiến lá rải rác ở vùng xung quanh trên cao, mạch nước nhỏ lấp loáng, mỏm đá nâu vàng,... có nét cọ ở mức độ thô sần, tùy biến khá ngẫu hứng giúp biểu đạt chân thực về đặc tính tự nhiên bề mặt.


Bút pháp phóng khoáng gợi tả khung cảnh phía sau


Một sự đối lập không dễ phát hiện với vị vương tử mang nét đẹp thơ trẻ hoàn mĩ. Sự mịn mượt và tinh vi mô phỏng sự non mềm đến vô thực của làn da, các vệt cọ với lực nhấn ngón tay linh hoạt đưa lại sự bồng bềnh, sáng bóng của mái tóc xoăn tơ tối màu, những điểm màu trắng gọn ghẽ điêu luyện phản chiếu vùng tiếp nhận ánh sáng của đôi mắt ánh vàng, chóp mũi nhỏ nhắn, đôi môi căng mềm,...


Lớp cọ mịn mượt đặc tả ngũ quan

Sự tương phản của nét cọ nâng vị thế của The Red Boy đến bậc cao nhất, chiếm lĩnh toàn bộ không gian tranh bởi sự hoàn hảo, không tì vết. Cùng lúc cũng đẩy các yếu tố thiên nhiên lùi bước với sự nhún nhường đầy ẩn nhẫn và cam chịu.


Trong thời điểm vừa ra mắt, tác phẩm đã có nhiều ý kiến trái chiều, giữa yêu và ghét, giữa tâng bốc và khinh khi. Những lời nhận xét đó “khá buồn nôn” tôi không muốn đưa vào đây chút nào (họ dùng từ “buồn nôn” để phê phán một tác phẩm và tôi muốn dùng chính từ ấy để đáp trả lại họ). Nhưng dù thế nào thì hình ảnh đẹp nao lòng của cậu bé nhỏ trong bộ nhung đỏ nổi bật luôn rất được lòng nhiều người. Cậu bé màu đỏ vẫn luôn là một bảo vật trân quý, đầy nâng niu của người Anh.


Tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Anh


The Red Boy là một giấc mơ trở thành hiện thực đối với tất cả những ai yêu nghệ thuật Anh. Jacob Rothschild - Trưởng phòng Giám tuyển

The Red Boy là một bức chân dung xuất sắc và dịu dàng của một trong những họa sĩ xuất sắc nhất nước Anh ở đỉnh cao quyền lực của ông ấy. Art Fund rất vui mừng được hỗ trợ mua lại bức tranh này, là một bảo vật quốc gia. Chúng tôi rất vui khi The Red Boy sẽ tham gia vào bộ sưu tập của Phòng trưng bày Quốc gia để thế hệ tương lai được thưởng thức. Jenny Waldman - Giám đốc Quỹ Nghệ thuật

một chuyến du lịch của sự xuất sắc về kỹ thuật và đồng thời là một đại diện cảm động về một cậu bé trở nên tự nhận thức về bản thân Gabriele Finaldi - Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia Anh

The Red Boy nói đến cùng vẫn không chứa đựng một ý nghĩa phức tạp nào, vậy nên dù cố hết sức “xoắn não” tôi cũng khó lòng kiếm tìm hay chứng thực được những nhận xét đầy uyên thâm. Với tôi đây thực sự chỉ đơn giản là một bức họa hoàn chỉnh với ngón nghề điêu luyện của một danh họa bậc thầy. Trên nền tranh ghi dấu một cậu bé may mắn có vẻ đẹp thiên thần đủ để ai lướt qua cũng phải thổn thức ít nhiều, nét lãng mạn, thơ trẻ mâu thuẫn với nét cương nghị nhàn nhạt.


Và sắc đỏ ngạo nghễ lưu hoài trong trí nhớ...


 

* Hiện tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Anh, bạn có thể ghé thăm qua đường link

17 views0 comments

Comments


bottom of page