top of page
Writer's picturekhi khong

Ngày đẹp trời để xem triển lãm và nghĩ thêm về không gian

Updated: May 24, 2022



Video hướng dẫn yoga chạy đều, may mắn là internet sáng sớm khá tốt. Lời hướng dẫn lọt chầm chậm qua cơ thể quá biếng lười. Đột nhiên tầm mắt dừng ở phía sau mọi động tác cần nhìn. Một màn nước phủ đầy phía sau. Như cơn mưa ầm dai dẳng. Não đột nhiên bừng tỉnh, chạy ngược về cơn mưa chiều Sài Gòn hơn một năm rưỡi trước. Chật vật. Ướt mèm. Và buổi triễn lãm sắp đến giờ đóng cửa. Tuyệt hảo


Não lại tiếp tục miên man xa hơn. Điều gì khiến một buổi triễn lãm đáng nhớ hơn ngoài việc dựa dẫm vào những tác phẩm được trưng bày? Một cơn mưa trắng trời chăng? Với màn chắn nước mưa phân định rõ nét, đẩy buổi triễn lãm vào một không gian biệt lập và giữ chân mọi người lâu rất lâu. Đùa đấy, chỉ là bản thân tôi thôi. Không thể dùng cơn mưa để giúp một buổi triễn lãm bất kỳ trở nên hấp dẫn được. Đâu phải ai cũng thích mưa. Ông trời cũng chẳng dư nước mắt đến thế. Và quan trọng là người tổ chức triển lãm cũng sẽ khóc thét mất.


Vậy thì điều gì sẽ khiến một buổi triễn lãm đáng nhớ? E hèm, không đùa nữa. Nghiêm túc nghiền ngẫm, câu trả lời có lẽ là một không gian phù hợp chăng?

Vạn vật sống đều chiếm dụng một phần diện tích và việc chiếm dụng không gian và tác động tới đó cũng là một cách đánh dấu, thông báo cho toàn thế giới biết sự tồn tại của chính nó. Con người luôn tự nhắc nhở và khao khát tranh giành một nơi mà mình thuộc về, với kỳ vọng thõa mãn khao khát được công nhận. Một tác phẩm nghệ thuật – một “vật sống” cũng nên có quyền đòi hỏi một không gian để được hít thở và công nhận. Một hình dung giản đơn cho không gian của một tác phẩm chính là một khu vực đặt để, lấy trọng tâm từ tác phẩm một không gian có thể lan rộng đến vô cùng hoặc bị giới hạn ở phạm vi nhất định.


National Gallery tại Anh

Hội chợ nghệ thuật Ann Arbor (Michigan)

Xưởng vẽ, phòng tranh, bảo tàng,… bất cứ nơi tác phẩm được đặt để cũng tự động tạo được một không gian cho chính nó. Lộn xộn. Chỉn chu. Trống rỗng. Đủ đầy. Xíu xiu. Mênh mang. Những đặc tính của một không gian đặt để tác phẩm là vô hạn và tự do.

Trong mọi chuyến thưởng lãm nghệ thuật, những tác phẩm luôn là nhân vật chính nổi bật thì không gian đặt để luôn là phông nền phụ trợ, dễ bị phớt lờ bởi chính người tham dự và đáng buồn là có thể là cả chính người tổ chức. Nhưng hãy luôn nhớ rằng nó quan trọng. Không gian không chỉ là cách để tôn trọng và vinh danh tác phẩm mà còn là cách xác định được mức độ trải nghiệm thưỡng lãm. Bạn có thể phớt lờ nó nhưng xin cẩn thận chính nó có thể quyết định chuyến du hành vào thế giới nghệ thuật là tệ hại hay trên cả tuyệt vời.

"Les nymphéas" của Monet tại Musée de l'orangerie (Paris)

Điều đầu tiên mà không gian đặt để có thể tác động đến hiệu quả trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật chính là cung cấp một phạm vi thưởng lãm rõ nét cho người xem, phân tách thế giới thực tế với thế giới nghệ thuật. Một không gian đặt để sẽ như một màn lọc giúp loại trừ những suy nghĩ không liên quan và điều hướng chú ý của người tham dự vào tác phẩm. Nó có thể được thiết kế rất đơn giản như một khu vực trống với tường trắng và các vách ngăn hay cầu kì với những tính toán các đồ vật trưng bày phụ trợ, có liên quan đến tác phẩm.




Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tạo ra được định dạng khác biệt, một tín hiệu phân loại rõ ràng và ngay lập tức đến với người xem rằng bản thân họ đã rời khỏi vùng không gian chung để tiến vào lãnh địa nghệ thuật đặc thù.

Như cơn mưa trắng trời vào hôm triễn lãm tôi từng đến là một yếu tố ngoại lai, không nằm trong sự sắp xếp nhưng lại là một tác động mạnh mẽ hơn đến ý thức về sự rạch ròi không gian giữa trong và ngoài, giữa khô ráo và ướt đẫm. Chúng ta sống trong một không gian thực tế với tập hợp vô số những yếu tố trộn lẫn. Quá nhiều thứ đan xen, đơn giản như đang vò đầu trong công việc “trưa nay ăn gì?” đột ngột nhảy bổ vào. Sự chú ý, mức độ tập trung cần thiết lại bị phân rã liên tiếp thành từng phần nhỏ lẻ để phục vụ cho nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống thực. Việc giữ những guồng quay hỗn tạp đó đến một buổi triễn lãm sẽ khiến trải nghiệm thưởng thức gần như về âm.




Vì vậy, sự có mặt của một không gian đặt để tác phẩm chất lượng là bước ban đầu giúp gột rửa, thanh tẩy tinh thần trước khi tiến vào thánh điện nghệ thuật linh thiêng.

Bên cạnh công dụng giúp người tham dự có ý thức rõ ràng khi bước đầu tham dự triễn lãm, không gian đặt để còn đem lại điều tuyệt vời hơn: cung cấp những dấu hiệu sự sống cho tác phẩm. Một không gian đặt để được thiết kế với những yếu tố trong không gian đó có liên quan đến tác phẩm là một cách dẫn dắt, một ngụ ý tinh tế cho người xem cảm nhận được chuyển động, hơi thở của tác phẩm. Điều thú vị của tác phẩm không còn giới hạn trong phạm vi của bản thân nó mà được mở rộng, lan tỏa đến không gian xung quanh, tác động mạnh đến tâm trí người tham dự triễn lãm một cách có tính toán. Không còn phải giữ một khoảng cách nhất định nhìn ngắm một tác phẩm mà thông qua không gian với đầy ắp những chi tiết gợi nhắc về nó, người tham dự tin tưởng bản thân đang thực sự bước vào, cảm nhận và giao tiếp.



Triễn lãm "Pablo Picasso and Salvador Dalí" (2015) tại Opera Gallery (Singapore)

“The weather project” (2003) của nghệ sĩ người Iceland - Đan Mạch Olafur Eliasson tại Sảnh ở phòng trưng bày nghệ thuật Tate Modern, London là một artwork mô phỏng lại cấu trúc, đặc tính của mặt trời bằng cách lắp đặt màn hình bán nguyệt, trần gương và sương mù nhân tạo. Các khung nhôm lót lá gương được treo lơ lửng trên trần nhà để tạo ra một tấm gương khổng lồ giúp tăng gấp đôi thể tích của hội trường một cách trực quan. Cùng với màn hình bán nguyệt được gắn trên bức tường phía xa, cạnh dài của nó tiếp giáp với trần gương. Được chiếu sáng ngược bởi khoảng 200 đèn đơn tần, hình bán nguyệt và sự phản chiếu của nó đã tạo ra hình ảnh hoàng hôn trong nhà khổng lồ được nhìn thấy qua màn sương nhân tạo tỏa ra trong phòng.


“The weather project” (2003)





“The weather project” được đặt để trong cuối hành lang sảnh Turbine, một không gian làm gia tăng cảm giác chân thực người xem. Khu trưng bày đủ rộng và loại bỏ những điều thừa thãi ngoài đời sống thực, không gian tương phản mạnh mở rộng về chiều cao với dấu hiệu kiến trúc công nghiệp nặng nề, thô cứng, góc cạnh ép sát hai bên, hoàn toàn không có sự xuất hiện của thiên nhiên.










Tất cả khiến người xem vô thức đắm chìm, hòa mình và thực sự nghĩ đó là mặt trời thực. Họ ngắm nhìn, họ ca hát, họ nhảy múa,… dưới ánh sáng vàng cam cực độ của một thực thể nhân tạo. Các tín hiệu chân thực về tác phẩm khiến người xem tiếp cận dễ dàng và suy nghĩ sâu sắc hơn. Từ đó bản thân mỗi người thưởng thức có khả năng kết hợp tác phẩm và cảm nhận cá nhân để tự xây dựng một hình ảnh riêng, một cảm thức riêng.




Art is something that is like reading — it’s imagination. You interpret what you see and (what) you get from what you see, it’s personal to you Nghệ thuật giống như sự đọc. Nó là trí tưởng tượng. Bạn diễn đạt những điều bạn thấy và thu nhận từ những điều đó, nó rất cá nhân.




Thực tế việc tạo dựng một không gian đặt để khớp với tác phẩm không quá nhiều. Mô hình một khu vực rộng, cách bày trí tối giản hết mức vẫn luôn được tận dụng rất nhiều hơn cả ở các phòng tranh, studio hay bảo tàng vì để đảm bảo tiết kiệm chi phí mà vẫn phù hợp với hầu hết các bộ sưu tập nghệ thuật được thay mới liên tục. Điều này là hợp lý nhưng việc giữ một mô hình tối giản và ít sự đầu tư khiến sự tương tác giữa người xem và tác phẩm gặp không ít khó khăn. Người xem cần phải nỗ lực tự tìm kiếm thông tin sâu hơn về tác phẩm ngoài một bảng chú thích đơn giản về tiêu đề, tác giả,… Yêu cầu về năng lực tư duy nghệ thuật vì vậy sẽ càng ở mức độ cao hơn, đôi lúc dẫn đến tình trạng người tham dự chỉ đến triễn lãm check in và… Các tác phẩm như một vật thể “chết”, vô hồn dù đang thực sự “sống”.


"White cube" - Mô hình trưng bày triễn lãm tinh giản và "thuần khiết" đang được sử dụng phổ biến

Trong một mô hình tôi tìm được của Dean (1994) về cách cân bằng các yếu tố triễn lãm và một mô hình bổ sung của Charles McIntyre với nghiên cứu về không gian trải nghiệm của các phòng tranh và bảo tàng nghệ thuật tại Anh (2009) có thể thấy tác động của không gian hay các yếu tố các trong việc quyết định loại hình triễn lãm. Với các triễn lãm chỉ gồm thông tin và vật trưng bày thường chỉ phù hợp với các triễn lãm mang tính giáo dục hay môn chuyên đề cụ thể, triễn lãm nghệ thuật không nằm trong phân loại này. Triễn lãm nghệ thuật ngoài những yếu tố trên còn cần không gian và yếu tố về nội dung truyền đạt. Nếu một triễn lãm quá xem nhẹ yếu tố không gian thì trải nghiệm người xem không tốt (cold exhibition). Ngược lại, nếu chú ý hơn về không gian thì mức độ tương tác cao hơn, người xem cũng có sự tích cực, chủ động trong thưởng thức tác phẩm.


Tóm gọn lại mọi thứ tôi luyên thuyên trước đó, tác động của không gian đến trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật phù hợp với một từ viết tắt liên quan đến những gì một bảo tàng làm với việc trưng bày và triển lãm đến trải nghiệm tham quan (Addis, 2005):


 

AEAL (Attract - Entertainment - Arouse - Learn get )

 

Trong đó không gian đặt để hợp lý là một không gian có thể gây được sự chú ý (ATTRACT) qua việc phân tách rõ nét hai không gian thực tế và nghệ thuật; tạo sự tương tác thú vị (ENTERTAINMENT), kích thích sự tò mò (AROUSE) bằng cách cung cấp cho không gian đặt để các dấu hiệu “sự sống” của tác phẩm. Từ đó giúp người thưởng thức cảm nhận sâu sắc về tác phẩm (LEARN GET).


Triễn lãm "Mộng bình thường" của NTK Thủy Nguyễn với đa dạng không gian trưng bày


Vậy điều gì khiến một buổi triễn lãm đáng nhớ hơn ngoài việc dựa dẫm vào những tác phẩm được trưng bày? Bạn đã có được câu trả lời ưng ý chưa?


Còn tôi, Tôi đang đợi một cơn mưa…



 

Nguồn tham khảo

Essay
  1. Michela Addis (2005), New technologies and cultural consumption – edutainment is born!” European Journal of Marketing.

  2. Charles McIntyre (2008), Museum and Art Gallery Experience Space Characteristics: an Entertaining Show or a Contemplative Bathe?

Website
46 views1 comment

1 Comment


Vũ Lưu Thiên
Vũ Lưu Thiên
May 25, 2022

Hay quá, xuất sắc quá em ơi !

Like
bottom of page